TP HCM: Hợp đồng công chứng bị vô hiệu, khách hàng ngậm “quả đắng”
Dù bà Trang đã tới VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ để công chứng hợp đồng mua đất theo đúng quy định nhưng sau đó vẫn bị tòa tuyên hợp đồng vô hiệu.
Theo phản ánh của bà Hoàng Thị Thùy Trang (ngụ TP HCM) thì từ 1/4/2016, bà tới Văn phòng công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ có tên cũ là Văn phòng công chứng Quận 6 (gọi tắt là VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ) tại Quận 6, TP HCM để công chứng hợp đồng mua bán đất đối với thửa đất số 229, tờ bản đồ số 13 tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP HCM.
Cụ thể, căn cứ theo hợp đồng ủy quyền số 01359, quyển số 02/TP/CC-SC/HDGD lập ngày 25/02/2016 được lập tại VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ, bà Trang đã được VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 02706 quyển số 04/TP/CC-SCC/HDGD ngày 01/04/2016 với bà Hồ Thị Sáu.

Văn phòng công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ.
Theo bà Trang, ngay sau khi công chứng hợp đồng theo quy định pháp luật, bà đã giao đủ số tiền 800.000.000 đồng giá trị hợp đồng cho bên bán.
Sau khi hoàn tất thủ tục, bà Trang đến UBND huyện Bình Chánh để sang tên phần đất trên thì mới phát hiện chủ đất không hề ký bất cứ hợp đồng ủy quyền nào để thực hiện sang nhượng quyền sử dụng đất tại VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ như hồ sơ công chứng mua bán đất trước đó thể hiện.
Theo đó, phần đất mà bà Trang ký hợp đồng thửa đất số 229, tờ bản đồ số 13 tại xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP HCM được cho là của bà Nguyễn Thị Ngọc Điệu và 3 người khác đồng sở hữu chứ không liên quan gì đến bà Sáu.
Tiếp đó, đầu năm 2016, bà Nguyễn Thị Ngọc Điệu làm thất lạc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó bà Điệu đã báo với UBND xã Quy Đức và được biết có người đến xin gia hạn quyền sử dụng đất thửa đất này.
Qua liên lạc, bà Điệu biết được bà Hoàng Thị Thùy Trang đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên từ bà Sáu vào ngày 1/4/2016. Tuy nhiên, bà Điệu và 3 người đồng sở hữu không hề ký bất cứ hợp đồng ủy quyền nào để thực hiện sang nhượng quyền sử dụng đất tại VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ.
Nhận thấy có dấu hiệu làm giả hồ sơ, làm giả chữ ký trái với quy định tại hợp đồng ủy quyền số 01359 tại VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ công chứng, ngày 04/07/2016, bà Điệu và đồng sở hữu khu đất trên đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận 6 yêu cầu Tòa tuyên vô hiệu hóa hợp đồng ủy quyền số 01359 tại VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ. Đồng thời bà Hoàng Thị Thùy Trang cũng đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận 6 và Công an quận 6 để đòi quyền lợi chính đáng, đòi lại số tiền đã trả cho hợp đồng mua đất.
Về vấn đề này, tại tòa, người đại diện của VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ cho rằng việc chứng nhận hợp đồng ủy quyền số 01359 quyển số 2/TP/CC-SC/HĐGD lập ngày 25/02/16 và hợp đồng chuyển nhượng 02706, quyển số 4//TP/CC-SCC/HĐGD lập ngày 1/4/2016 đúng trình tự thủ tục theo quy định của Điều 41 Luật Công chứng, trước khi tiến hành công chứng đã tra cứu thửa đất số 229, tờ bản đồ số 13, địa chỉ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh không bị ngăn chặn.
Cùng với đó, đại diện VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ cũng đã khai rõ tại Tòa như sau: “Hồ sơ công chứng này do có người giới thiệu. Người giới thiệu trên tên Dũng, không rõ họ tên đầy đủ. Lúc được giới thiệu, phía văn phòng đã có nghi ngờ nhưng do tin tưởng ông Dũng là người thường xuyên đến văn phòng liên hệ công chứng nhiều lần nên khi có những nghi vấn thì văn phòng có yêu cầu người yêu cầu công chứng tự liên hệ Phòng Tài nguyên để xem có mấy giấy CNQSDĐ, về phía Văn phòng thì Văn phòng có gọi điện thoại liên hệ các cơ quan chức năng để xác định sự việc. Mấy ngày sau thì người yêu cầu công chứng đến Văn phòng báo chỉ có 01 giấy CNQSDĐ”.
Theo quy định tại khoản 5 điều 40 Luật Công chứng 2014 thì trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Thế nhưng, theo kết luận giám định số 396/KLGĐ-TT ngày 22/02/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM về việc giám định hợp đồng ủy quyền trên thì các chữ ký cũng như dấu vân tay trên hợp đồng ủy quyền số 01359, quyển số 02/TP/CC-SC/HDGD lập ngày 25/02/2016 đều không đúng của chủ đất và có dấu hiệu giả mạo.
Với các tình tiết nêu trên, TAND quận 6 đã tuyên vô hiệu đối với 2 hợp đồng ủy quyền số 01359, quyển số 02/TP/CC-SC/HDGD lập ngày 25/02/2016 dẫn đến Tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 02706 quyển số 04/TP/CC-SCC/HDGD ngày 01/04/2016 giữa bà Hồ Thị Sáu với bà Hoàng Thị Thùy Trang vô hiệu.
Theo đó, bà Hoàng Thị Thùy Trang có nghĩa vụ trả lại cho bà Nguyễn Thị Ngọc Điệu bản chính GCNQSDĐ do UBND huyện Bình Chánh cấp ngày 22/05/2014 có số vào sổ cấp GCN là CH 02019.
Đồng thời, đình chỉ xét xử yêu cầu độc lập của bà Hoàng Thị Thùy Trang về việc yêu cầu văn phòng công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ bồi thường thiệt hại 800.000.000 đồng (Tám trăm triệu đồng).
Trước quyết định của Tòa, bà Trang ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ để làm rõ vụ việc, không riêng gì trường hợp của tôi mà còn cho bà con sau này. Giúp bà con tránh mất tiền của khi thực hiện việc chuyển nhượng đất đai nói riêng và những hợp đồng khác nói chung tại các VPCC. Đặc biệt là VPCC Nguyễn Nguyệt Huệ (197 Mai Xuân Thưởng, phường 5, quận 6, TP.HCM). Đồng thời, VPCC khi được Tòa án nhận định sai phạm, làm trái với luật công chứng thì phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại cho người bị hại”.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vai trò và trách nhiệm của VPCC trong việc các hợp đồng công chứng của người dân bị tuyên vô hiệu dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mang” như vụ việc nêu trên.
Tại điều 38 Luật Công chứng 2014 có quy định về việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng cụ thể như sau:
1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.