Sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng từ ngày 01/01/2023: Tất cả thông tin người dân cần biết

Ngày 1-1-2023, Sổ hộ khẩu chính thức bị “khai tử” sẽ không còn giá trị sử dụng vì việc quản lý cư trú sẽ được thực hiện bằng dữ liệu điện tử hay còn gọi là Sổ hộ khẩu điện tử. Việc này khiến không ít người hoang mang bởi đây là loại giấy tờ quen thuộc được sử dụng để chứng minh nơi cư trú trong các giao dịch, thủ tục hành chính. Nếu không có sổ hộ khẩu có thể dùng giấy xác nhận thông tin cư trú để thay thế. Sau đây là tất cả thông tin người dân cần biết, mời bạn đọc theo dõi.

1. Dùng Giấy xác nhận thông tin về cư trú 

Căn cứ Điều 17 Thông tư 55/2021, công dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cư trú cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú khi cần dùng đến theo 02 cách:

– Đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú. Trong đó, khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 giải thích cơ quan đăng ký cư trú như sau:

Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

– Gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Thời gian cấp Giấy xác nhận thông tin cư trú: Trong 03 ngày làm việc, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm xác nhận thông tin về cư trú dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân.

Nội dung của Giấy xác nhận thông tin về cư trú: Bao gồm các thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

Hiệu lực của Giấy xác nhận thông tin cư trú:

– Có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú:

1. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

– Có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp đối với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.

– Trường hợp công dân có sự thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú và được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì Giấy xác nhận thông tin về cư trú hết giá trị kể từ thời điểm thay đổi.

2. Bị thu Sổ hộ khẩu giấy, làm sao để tra cứu số Sổ hộ khẩu điện tử?

Người dân có thể tra cứu mã số Sổ hộ khẩu điện tử của mình thông qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ  https://baohiemxahoi.gov.vn/Pages/default.aspx.

Tại mục tra cứu trực tuyến của website, chỉ cần cung cấp họ tên, tỉnh thành, số Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, người dân có thể tra cứu được cả mã số bảo hiểm xã hội và số Sổ hộ khẩu của mình.

3. Có được làm Căn cước công dân khi bị thu Sổ hộ khẩu?

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA, sau khi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại Căn cước công dân, cán bộ công an sẽ tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ làm thẻ Căn cước công dân.

Chỉ khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không có thông tin của công dân thì cán bộ làm thủ tục mới đề nghị công dân xuất trình các giấy tờ chứng minh nhân thân như Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu…

Như đã nêu, khi bị thu hồi Sổ hộ khẩu, thông tin của công dân cũng đồng thời được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, khi đi làm thẻ Căn cước, người dân không cần đem theo Sổ hộ khẩu.

Trên đây là tất cả thông tin người dân cần biết về giấy tờ thay thế Sổ hộ khẩu từ ngày 01/01/2023. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp.

LLP

Bạn có thể quan tâm
Loading...

0971 130 768