Hoàn công là gì? Thủ tục và chi phí hoàn công nhà ở.

Hoàn công là thủ tục cần thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng công trình. Vậy hoàn công là gì? Thủ tục và chi phí hoàn công nhà ở như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Hoàn công là gì?

Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa cụ thể hoàn công là gì, tuy nhiên, từ thực tế, có thể hiểu hoàn công  thường được dùng để chỉ  thủ tục nghiệm thu công trình để xác nhận các bên đầu tư, thi công đã hoàn thành công trình xây dựng sau khi được cấp giấy phép xây dựng. 

Đồng nghĩa với việc hoàn công chính là thực hiện thủ tục nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng (theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP).

(Ảnh minh hoạ)

Hoàn công có thể được thực hiện bởi chủ nhà hoặc chủ đầu tư, sau khi hoàn tất thi công công trình.

Đây là thủ tục cần thiết để đánh giá việc thi công có theo đúng giấy phép được cấp hay không. Đồng thời, hoàn công còn để xác nhận về chất lượng thi công công trình xây dựng không gây ảnh hưởng lớn đến an toàn khai thác, sử dụng công trình. 

2. Hoàn công nhà ở gồm thủ tục và chi phí nào?

Sau khi công trình nhà ở hoàn thành, thủ tục hành chính cuối cùng quan trọng và không thể bỏ qua là thủ tục đăng ký hoàn công nhà ở. Sau đây là hướng dẫn cách làm thủ tục hoàn công nhà ở riêng lẻ.

Thủ tục và chi phí hoàn công

(Ảnh minh hoạ)

2.1 Thủ tục hoàn công nhà ở

Hoàn công nhà ở gồm các thủ tục theo các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ hoàn công nhà ở bao gồm các giấy tờ sau:

  • Giấy phép xây dựng nhà ở.

  • Hợp đồng xây dựng (giữa chủ nhà, nhà đầu tư với bên thi công).

  • Báo cáo kết quả xây dựng.

  • Hồ sơ thiết kế bản vẽ thiết kế xây dựng.

  • Báo cáo kết quả thẩm tra, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.

  • Bản vẽ hoàn công (trong trường hợp có thay đổi trong quá trình xây dựng): nêu rõ về vị trí, kích thước và việc sử dụng vật liệu cũng như thiết bị. 

  • Báo cáo kết quả thí nghiệm, kiểm định (nếu có).

  • Văn bản xác nhận của cơ quan chức năng, tổ chức liên quan (nếu có) về an toàn phòng cháy, chữa cháy hay an toàn hoạt động thang máy.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hồ sơ hoàn công nhà ở được nộp tại UBND các cấp quận/huyện/xã quản lý vị trí đất ở.

Bước 3: Nhận và kiểm tra hồ sơ

Sau khi tiếp nhận, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra tính đầy đủ, tính pháp lý của hồ sơ. 

Nếu công trình đáp ứng các điều kiện quy định, giấy chứng nhận hoàn công sẽ được cấp. Còn khi hồ sơ thiếu hay giấy tờ không hợp lệ, chủ đầu tư sẽ được hướng dẫn bổ sung, chỉnh sửa. 

2.2 Chi phí hoàn công nhà ở

Thông thường chi phí hoàn công nhà ở riêng lẻ sẽ bao gồm:

– Thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng

Căn cứ Thông tư 92/2015/TT-BTC, Công văn 3700/TCT/DNK, chủ thầu xây dựng có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chủ thầu thường không nộp/nộp không đúng, không đủ nên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ không giải quyết thủ tục hoàn công cho chủ nhà nếu chủ nhà không nộp thay cho chủ thầu khoản thuế này.

Theo đó, mức thuế suất đối với thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này là 5% trên doanh thu và thuế suất thuế giá trị gia tăng là 2% trên doanh thu.

– Chi phí lập bản vẽ hoàn công

Khoản chi phí này sẽ do chủ nhà và bên thực hiện dịch vụ thỏa thuận, quyết định. Chi phí sẽ tùy thuộc vào mức độ phức tạp của công trình, diện tích xây dựng…

Lưu ý: Theo khoản 11 Điều 10 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp được miễn thuế trước bạ. 

3. Tại sao phải hoàn công nhà ở?

Việc phải hoàn công luôn được nhắc tới khi công trình xây dựng hoàn tất. Đây như là thủ tục bắt buộc chủ nhà hay nhà đầu tư không được bỏ qua.

Thủ tục hoàn công có vai trò quan trọng cho chủ nhà hay nhà đầu tư vì các lý do sau:

  • Được Nhà nước công nhận về tính pháp lý: hoàn công chứng nhận công trình xây dựng đúng theo giấy phép xây dựng, đạt đủ điều kiện về xây dựng, chấp hành theo quy hoạch sử dụng đất. Công trình đảm bảo an toàn và chấp hành các luật về xây dựng.

  • Giúp công nhận giá trị tài sản nhà gắn liền với đất, thuận lợi cho việc định giá tài sản. Đồng thời giá trị được đánh giá cao, thuận lợi khi vay vốn ở ngân hàng.

  • Được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cũng như có các quyền liên quan tới nhà ở như: thế chấp, sang nhượng, thừa kế…

  • Nếu không hoàn công sẽ bị thiệt hại khi Nhà nước quy hoạch, giải tỏa.

Do đó, việc chấp hành theo quy định của Nhà nước về việc đăng ký hoàn công là quyền lợi và nghĩa vụ của chủ nhà hay nhà đầu tư trong việc bảo vệ giá trị tài sản nhà ở cũng như công trình xây dựng.

4. Việc mua bán nhà ở chưa được hoàn công tiềm ẩn rủi ro gì không?

Việc mua bán nhà ở chưa được hoàn công tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, có thể kể đến như:

– Người mua chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu ngôi nhà (do nhà ở chưa được cấp Giấy chứng nhận, không đủ điều kiện để thực hiện giao dịch mua bán, 02 bên chỉ có thể ký hợp đồng mua bán mà không thể sang tên).

– Nếu chủ cũ đứng tên giấy phép xây dựng mà người mua muốn làm hoàn công thì  khi làm thủ tục hoàn công bắt buộc phải có chữ ký của chủ cũ, nói chung, thủ tục sẽ rắc rối hơn.

– Trường hợp nhà ở mà chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất có thể sẽ không được bồi thường nếu có vi phạm về đất đai cũng như không có giấy tờ chứng minh nhà ở hợp pháp.

Nói tóm lại, khi mua bán nhà ở chưa hoàn công, người mua nên cân nhắc kỹ lưỡng về rủi ro có thể xảy ra. Tốt nhất, trước khi quyết định mua nhà chưa hoàn công nên nhờ sự tư vấn của luật sư hay chuyên gia về bất động sản trước khi quyết định mua bán.

Trên đây là định nghĩa hoàn công là gì và các quy định liên quan, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.

LLP

Bạn có thể quan tâm
Loading...

0971 130 768