Góc nhìn hình sự vụ đấu giá đất ở Sóc Sơn

Việc cơ quan công an tạm giữ người để làm rõ hành vi vi phạm về đấu giá đất, từ đó xử lý nghiêm theo quy định pháp luật là hết sức cần thiết.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, trong vụ đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ năm người để điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 218 BLHS 2015.

Đây là điều luật mới lần đầu tiên được quy định trong BLHS 2015. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều người về tội danh này nhưng các hành vi tương tự vẫn tiếp tục xuất hiện.

Khi nào phạm tội theo Điều 218?

Trong vụ việc ở huyện Sóc Sơn, lời khai ban đầu cho thấy Phạm Ngọc Tuấn biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất nên đã nhờ Ngô Văn Dương mua hồ sơ đấu giá.

Để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, Tuấn thỏa thuận, bàn bạc với những người còn lại về việc cùng tham gia đấu giá và bàn bạc thống nhất sẽ thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá.

Công an TP Hà Nội đang tạm giữ năm người liên quan đến việc trả giá 30 tỉ đồng/m2 đất ở huyện Sóc Sơn. Ảnh: CA

Tại phiên đấu giá ngày 29-11, ban đầu nhóm này đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được. Đến khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa mà họ đã bàn bạc từ trước nên tại vòng đấu giá thứ năm, nhóm đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm; thậm chí Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỉ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)… sau đó bỏ đấu giá vòng cuối, dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Thanh Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo như kết quả xác minh ban đầu thì mục đích của nhóm người này là bàn bạc, thông đồng với nhau để trúng đấu giá cho bằng được, bằng cách gặp trường hợp bất lợi thì đẩy giá lên cao để không ai trúng được.

Có thể khẳng định hành vi này là vi phạm pháp luật, tùy vào kết quả điều tra cuối cùng mà sẽ có chế tài tương ứng.

Hiện nay, Điều 23 Nghị định 82/2020 quy định cá nhân có hành vi cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá sẽ bị phạt tiền 7-10 triệu đồng; còn hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết đối với tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218 BLHS), khoản 1 điều này quy định hành vi khách quan của tội phạm bao gồm một trong các hành vi sau: Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Đáng chú ý, hành vi chỉ cấu thành tội phạm theo khoản 1 khi người phạm tội thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng, với khung hình phạt là phạt tiền 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên; phạm tội hai lần trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì thuộc trường hợp cấu thành tội phạm tăng nặng theo khoản 2 Điều 218 BLHS 2015 (chế tài là phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm).

Theo TS Hồng, hành vi của nhóm năm người trong vụ đấu giá đất ở Sóc Sơn đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi khách quan quy định tại điểm c khoản 1 Điều 218 là “thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Khi đó, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được các đối tượng đã thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đồng trở lên thì hành vi đã cấu thành tội phạm theo Điều 218 BLHS.

Có dấu hiệu rõ ràng của việc bàn bạc, câu kết

Trong vụ án này, Phạm Ngọc Tuấn đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do mình tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m2, ước tính từ 1,7 tỉ đồng – 3,9 tỉ đồng/lô đất.

Các đối tượng này đã dự đoán đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng thứ 4, người trả giá cao nhất vẫn ở dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì cả nhóm sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6 nhưng không trả giá vượt quá mức giá do Tuấn đã thẩm định.

Nếu vòng thứ 4 có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra thì các đối tượng sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5 (cụ thể là 30 tỉ đồng/m2) nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng. Vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế.

Hành vi nêu trên của các đối tượng là thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Các đối tượng đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất, phân chia nhiệm vụ cho từng người để tham gia từng vòng đấu giá, nhằm không có thêm người tham gia đấu giá, không bị mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn.

Hành vi này đã có dấu hiệu rõ ràng của việc bàn bạc, câu kết, với tình tiết định khung là phạm tội có tổ chức.

Điều cơ quan CSĐT cần làm hiện nay là cần xác định mức thiệt hại cụ thể của tổ chức đấu giá để đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Ths NGUYỄN ĐỨC HIẾU, Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM

Xử lý nghiêm là cần thiết

Nói thêm về việc xác định thiệt hại, thu lợi bất chính, luật sư Nguyễn Thanh Thanh cho rằng trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng cần hết sức cẩn trọng trong việc xác minh thiệt hại của vụ án. Bởi việc đấu giá không thành xuất phát từ hành vi “phá” của nhóm người này thì đã rõ nhưng thiệt hại là bao nhiêu, đơn giá trúng trong trường hợp này là bao nhiêu để tính thiệt hại không phải là chuyện dễ dàng.

Tuy nhiên, động thái tạm giữ người của cơ quan công an trong trường hợp này để làm rõ hành vi, từ đó xử lý nghiêm theo quy định pháp luật là hết sức cần thiết trong bối cảnh nhiều cuộc đấu giá bị “phá hoại” thời gian qua.

Mới đây nhất (ngày 4-12), cũng tại Hà Nội, Công an huyện Thanh Oai cho biết đang xác minh dấu hiệu bất thường trong phiên đấu giá 22 thửa đất ở xã Đỗ Động ngày 30-11.

Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai và Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá 22 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Các lô đất có diện tích 85-136 m2, khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Với mức này, tiền cọc mỗi thửa từ 91 đến 144 triệu đồng. Cuộc đấu giá phải qua năm vòng bắt buộc, với bước giá 5 triệu đồng/m2.

Đến vòng thứ tám, giá cao nhất được nhà đầu tư trả hơn 70 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến vòng thứ chín, khách hàng đồng loạt không trả giá tiếp, dẫn đến phiên đấu giá đất không thành công.

Nhiều người từng bị khởi tố

Tháng 6-2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố ba đối tượng gồm Lê Văn Việt, Bùi Thị Thanh Tâm và Lê Quang Phụng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản quy định tại Điều 218 BLHS. Phụng đưa cho Việt và Tâm 70 triệu đồng để cùng hai đối tượng này dàn xếp kết quả đấu giá với những người đấu giá còn lại, nhằm dìm giá tài sản để Phụng trúng đấu giá với mức giá thấp nhất, trong phiên đấu giá đất của một ngân hàng.

Cũng với tội danh, tháng 7-2022, Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố sáu người (bao gồm những người trong công ty đấu giá và người bên ngoài) vì có hành vi thông đồng, móc nối, lộ lọt thông tin để dìm giá, dẫn tới cuộc đấu giá không minh bạch, công bằng và khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những khách hàng khác.

“Quân xanh – quân đỏ” trong đấu giá gây nhiều hệ lụy

Thực tiễn hành nghề cho thấy tại nhiều phiên đấu giá hiện nay, người thật sự có nhu cầu đấu giá thì rất ít, phần nhiều là những người tham gia đấu giá với tính chất tượng trưng, hay còn gọi là “quân xanh – quân đỏ”. Và như vậy trong một phiên đấu giá sẽ có hai trường hợp tiêu biểu xảy ra.

Một là, những người đấu giá thực tế phải đàm phán với người đấu giá tượng trưng để họ ngừng việc đấu giá này, sau đó việc bán đấu giá thành công nhưng hệ lụy từ việc này là giá trị tài sản bán đấu giá không cao.

Hai là, nếu người đấu giá thực tế không thỏa hiệp được với “quân xanh – quân đỏ” thì buổi đấu giá đó sẽ không thành công, dẫn đến việc tốn kém nhiều chi phí tổ chức… cho phiên đấu giá.

Tuy nhiên, việc phòng ngừa, xử lý những hành vi này hiện tại còn rất khó khăn và bị động. Theo tôi, để hạn chế vấn nạn “quân xanh – quân đỏ” trong một phiên đấu giá thì cần đưa ra thêm những quy định cụ thể, rõ ràng về những hành vi vi phạm và có những chế tài tương ứng nhằm răn đe và hạn chế thấp nhất việc nhóm đối tượng xấu lợi dụng những kẻ hở của pháp luật để phá hủy cuộc đấu giá.

Bên cạnh đó, các văn bản luật chuyên ngành về đấu giá nên đưa ra những quy định cụ thể, chặt chẽ và thực tế về điều kiện tham gia đấu giá của người đấu giá. Cụ thể là xem xét và yêu cầu minh chứng về năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, nâng mức ký quỹ ban đầu lên 50% giá trị tài sản đấu giá…. Như vậy sẽ hạn chế được sự tham gia đấu giá ảo của nhiều “quân xanh – quân đỏ” trong phiên đấu giá.

Luật sư NGUYỄN THỊ THANH THẢO, Đoàn Luật sư TP. HCM

HỮU ĐĂNG – YẾN CHÂU – SONG MAI

https://plo.vn/goc-nhin-hinh-su-vu-dau-gia-dat-o-soc-son-post823179.html

Bạn có thể quan tâm
Loading...

0971 130 768