Miễn trách nhiệm hình sự đối với tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
Luật sư bào chữa giỏi, Luật sư hình sự giỏi ở TpHCM. Bào chữa cho bị can, bị cáo tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp. Hotline: 0971.130.768
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo BLHS năm 2015:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thì “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên thực tế áp dụng quy định này còn có những quan điểm khác nhau.
Về vấn này vẫn tồn tại một số quan điểm khác nhau chưa nhất quán dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất. Cụ thể phân tích một số trường hợp sau:
– Vụ án thứ nhất, Nguyễn Văn D điều khiển xe ô tô vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả chết 01 người, bị thương 02 người (hai người này có đơn từ chối giám định thương tích), làm hư hỏng 01 xe ô tô của bị cáo, 01 xe mô tô và 03 xe đạp.
Về bồi thường dân sự: Bị cáo và những bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại đã tự nguyện hòa giải, bồi thường thiệt hại; người đại diện hợp pháp của bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Nguyễn Văn D bị TAND huyện Q, tỉnh H xử phạt 15 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999.
Bị cáo có đơn kháng cáo xin được cải tạo ngoài xã hội và đại diện hợp pháp của bị hại có đơn kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
– Vụ thứ hai, Nguyễn Đức T điều khiển xe ô tô vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây hậu quả chết 01 người, làm hư hỏng 01 xe mô tô.
Về bồi thường dân sự: Bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại. Trước khi xét xử sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Nguyễn Đức T bị TAND huyện Q, tỉnh H xử phạt 09 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999. Bị cáo có đơn kháng cáo xin được cải tạo ngoài xã hội và đại diện hợp pháp của bị hại tiếp tục có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Có quan điểm cho rằng, qua hai vụ án trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thì coi đây là tình tiết mới có lợi cho các bị cáo để miễn trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, khi xác định lỗi của người phạm tội đối với loại tội này thì có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm 1: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý nên các bị cáo không đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự.
Quan điểm 2: Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý nên thuộc trường hợp để miễn trách nhiệm hình sự.
Chúng tôi cho rằng, lỗi trong tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải là lỗi vô ý do tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả.
Lỗi vô ý do tự tin, trong trường hợp người vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Nếu người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phạm tội với lỗi cố ý thì không phải phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” mà là phạm tội khác như tội “Giết người”, tội “Cố ý gây thương tích”…
Về việc miễn trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo nêu trên: Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng do lỗi vô ý quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS (hậu quả làm chết 01 người). Các bị cáo đều tự hòa giải, tự nguyện bồi thường dân sự cho bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại. Người đại diện hợp pháp của bị hại đều có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thì người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tại khoản 1 Điều 202 BLHS, có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự nếu các bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại và được người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay, nếu như lỗi hoàn toàn thuộc về người phạm tội, gây hậu quả chết người, thì không nên xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với họ mà chỉ xem xét miễn trách nhiệm hình sự khi bị hại cũng có một phần lỗi hoặc không gây hậu quả chết người.
Liên hệ luật sư để tư vấn thêm:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LIÊN PHƯƠNG
Địa chỉ: 9/8 Phạm Văn Hai, Phường 01, Quận Tân Bình, TPHCM
Điện thoại: (028)-38 47 69 45
ĐƯỜNG DÂY NÓNG: 0971.130.768 – 0909.700.257
(Tư vấn qua đường dây nóng từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày kể cả Thứ Bảy, Chủ Nhật)