Phân biệt giữa tội Giết người và Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người

Luật sư, Văn phòng luật sư, Công ty luật, Luật sư giỏi ở TpHCM. Tham gia giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại, hợp đồng, dân sự, hình sự, nhà đất, hôn nhân, ly hôn, thừa kế. Hotline: 0971.130.768

Thế nào là Tội giết người? 

Tội giết người (Điều 123) và Tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người (Điều 134) quy định trong BLHS năm 2015 trong thực tiễn việc xác định hai tội danh này rất mong manh và tồn tại nhiều ý kiến, quan điểm và cách giải quyết khác nhau, vì vậy việc phân tích đánh giá các vấn đề cần làm rõ trong hai tội phạm này là rất cần thiết. 

Qua thực tiễn nghiên cứu giải quyết hai tội này cũng như các quy định của pháp luật hiện hành có thể xác định một số nội dung sau đây để nhằm phân biệt hai tội danh này bao gồm: 

+ Xác định mục đích hành vi phạm tội: Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”. 

Còn nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác thì phạm tội giết người. 

+ Xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công: Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Mức độ là tiêu chuẩn để xác định cho hành động; Cường độ là độ mạnh của lực”, việc xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công nhằm phân biệt hai tội danh này là rất quan trọng trọng.

Ví dụ: Nguyễn Văn A sinh năm 1991 và Trần Thành L sinh năm 1987, cùng cư trú tại khu phố 2, phường 4, Quận K, thành phố N, giữa hai người có xảy ra mâu thuẫn, ngày 27/9/2017 khi gặp nhau tại quán café KN giữa hai đã có xô xát, Nguyễn Văn A đã đấm Trần Thành L ngã xuống nền, mặc dù được mọi người can ngăn nhưng A đã xô những người ngăn cản và nói “Nếu ai còn tiếp tục can thì sẽ đánh người đó?” A tiếp tục tấn dùng chân đá 03 phát vào đầu L, mọi người tiếp tục can ngăn nhưng A vẫn lao vào đánh L và đá liên tiếp vào bụng L cho đến khi bất tỉnh, sau đó L đã chết trên đường đi cấp cứu.

Trong tình huống trên rõ ràng các hành vi của A có mức độ tấn công liên tục, cường độ tấn công mạnh, tuy mọi người can ngăn nhưng A vẫn tấn công điều này thể hiện được hành vi của Nguyễn Văn A là hành vi Giết người. 

Như vậy, việc căn cứ vào mức độ tấn công nhanh hay chậm, cường độ tấn công mạnh hay yếu để nhằm xác định đâu là hành vi phạm tội Giết người và hành vi Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là dấu hiệu quan trọng để nhằm phân biệt hai tội danh này.

+ Xác định vị trí tác động: Để nhằm phân biệt hai loại tội phạm này trong thực tiễn cần căn cứ vào vị trí tấn công trên cơ thể, có thể xác định các vị trí như vùng đầu, vùng ngực, bụng….đây được xem là những vị trí trọng yếu trên cơ thể. Ngoài ra khi xác định các vị trí trọng yếu của cơ thể con người cần kết hợp với việc xác định các yếu tố khác như cường độ tấn công, mức độ tấn công, hung khí sử dụng…. 

+ Xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác: Việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy…cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt hai tội này. 
+ Xác định yếu tố lỗi: Lỗi của người thực hiện hành vi: Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. 

– Trong trường hợp phạm tội giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra. Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người  có thể được biểu hiện theo một trong ba dạng sau:

– Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội  thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn  để che giấu tội phạm…

– Trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội  chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội  chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội  cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra. 

– Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội  cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra người phạm tội cũng chấp nhận. 

– Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra. 

+ Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ

Ngoài ra, cần phân biệt trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra muốn sao cũng được, nếu hậu quả là gây thương tích thì định tội cố ý gây thương tích, nếu hậu quả là chết người thì người phạm tội phạm vào tội giết người.

Việc đánh giá, phân tích và nghiên cứu các quy định của pháp luật nhằm phân biệt hai tội danh này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng trong công tác phòng, chống tội phạm ở nước ta là rất quan trọng./.

Liên hệ luật sư để tư vấn thêm: 

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LIÊN PHƯƠNG

văn phòng luật sư liên phương

Địa chỉ: 9/8 Phạm Văn Hai, Phường 01, Quận Tân Bình, TPHCM

Điện thoại: (028)-38 47 69 45
ĐƯỜNG DÂY NÓNG: 0971.130.768 – 0909.700.257

(Tư vấn qua đường dây nóng từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày kể cả Thứ Bảy, Chủ Nhật)

 

Bạn có thể quan tâm
Loading...

0971 130 768