Vụ án 2 ông thương binh tham ô kỳ lạ ở Cà Mau
Hai ông thương binh ở Cà Mau vừa lãnh án tù với cáo buộc tham ô 20 triệu và 26 triệu đồng, vụ án bắt đầu từ tố cáo của một trong hai ông.
Mới đây, TAND TP Cà Mau đã ban hành bản án tham ô tài sản xảy ra tại Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Cà Mau. Theo đó, ông Lữ Thanh Ý và ông Huỳnh Thanh Liêm bị tuyên phạt mỗi người hai năm tù. Tuy nhiên, đây là một bản án kỳ lạ ở nhiều khía cạnh. Ông tham ô 26 triệu đồng lại là người đi tố cáo ông tham ô 20 triệu đồng. Việc tham ô diễn ra trong lĩnh vực nhân đạo, nhận xe lăn cho người khuyết tật. Hai ông cùng là thương binh.
Tố cáo xong bị khởi tố luôn
Theo bản án, năm 2016 và 2017, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Tỉnh hội Cà Mau – PV) được các tổ chức ở TP.HCM tặng xe lăn bốn đợt, tổng số 460 xe. Vấn đề của Tỉnh hội Cà Mau là lo chi phí vận chuyển xe lăn về phân phát cho người khuyết tật.
Ông Lữ Thanh Ý cho biết đã kháng cáo kêu oan. Ảnh: TRẦN VŨ
Hai ông Lữ Thanh Ý (chủ tịch) và Huỳnh Thanh Liêm (phó chủ tịch Tỉnh hội Cà Mau) một mặt thông báo cho các huyện hội được phân phát xe lăn phải chịu chi phí vận chuyển, một mặt xin tiền UBND tỉnh Cà Mau để làm chi phí này, từ đó thừa ra một đầu kinh phí.
Tuy nhiên, các tình tiết đã được điều tra kết luận trong vụ án này lại thể hiện một vụ tham ô tài sản rất khác thường.
HĐXX kết luận hai ông Ý, Liêm đã câu kết thực hiện bốn lần tham ô, qua bốn đợt nhận xe lăn. Ngày 7-6-2017, tại quán cà phê Trúc Xanh, phường 5, TP Cà Mau, hai ông tổng kết, chia tiền tham ô trước sự chứng kiến của ông Phan Văn Hảo, cũng là một phó chủ tịch Tỉnh hội Cà Mau.
Tình huống chia tiền tham ô được kết luận rõ là sau khi nghe ông Liêm báo còn thừa 46 triệu đồng, ông Ý than kẹt tiền, hỏi mượn 20 triệu đồng. Ông Liêm lấy 20 triệu trong số 46 triệu đang giữ đưa cho ông Ý mượn. Ông Hảo là nhân chứng đã xác định với cơ quan điều tra nghe thấy việc ông Ý than kẹt tiền và mượn 20 triệu đồng từ ông Liêm.
Tuy nhiên, ông Ý phủ nhận việc nhận 20 triệu đồng nói trên. Cơ quan điều tra dựa vào lời khai của ông Liêm và nhân chứng Hảo kết luận ông Ý có nhận 20 triệu đồng, bằng hình thức hỏi mượn tiền do đang kẹt. Và đó là số tiền ông Ý bị kết luận tham ô tài sản.
Ông Liêm giữ số tiền 26 triệu đồng còn lại đến ngày 8-12-2017 thì mang đi nộp vào tài khoản của Tỉnh hội Cà Mau tại kho bạc nhà nước tỉnh. Đến ngày 15-12-2017, ông Liêm gửi đơn tố cáo ông Ý tham ô tài sản 20 triệu đồng. Sau đó, ông Liêm và ông Ý lần lượt bị khởi tố, truy tố và xét xử.
Giãi bày của người trong cuộc
Sau khi có bản án, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với cả ba ông Ý, Liêm, Hảo để tìm hiểu thêm các khía cạnh của vụ án.
Ông Hảo kể rằng do phụ trách văn phòng nên không tham gia chuyện tiền bạc. “Tôi chỉ chứng kiến ông Ý than kẹt tiền và mượn từ ông Liêm 20 triệu đồng. Tôi hiểu đó là mượn tiền với nhau, rất bình thường. Sau này cơ quan điều tra kết luận đó là chia tiền tham ô” – ông nói.
Còn ông Ý và ông Liêm cùng kể một câu chuyện giống nhau. Ông Liêm nói: “Thật ra ông Ý cũng tốt, lo cho cái chung hết cả. Số tiền thừa 46 triệu đó, anh em có thống nhất là nộp vào tài khoản của hội để phục vụ chung theo chức năng, nhiệm vụ của hội. Nhưng hôm đó ông Ý bảo kẹt mượn 20 triệu đồng. Tôi đòi sáu lần ông không trả. Ở lần thứ sáu, ông nói với tôi rằng thôi thì khỏi đăng nộp, để ông khỏi trả lại 20 triệu đồng. Số 26 triệu đồng còn lại, ông bảo tôi chia xài với ông Hảo. Khi ông nói câu đó, tôi khẳng định ông muốn tham ô nên tôi đi tố cáo ông. Tôi không ngờ mình lại bị khởi tố trước cả ông. Số tiền 26 triệu đồng mà tôi giữ mấy tháng trời là vì tôi chờ ông trả 20 triệu đồng lại để đăng nộp một thể”.
Ông Liêm cũng trả lời về việc nhận hai nguồn tiền cho một công việc: “Thật ra, việc xin kinh phí từ tỉnh rất chậm được giải quyết. Hội thì không có tiền sẵn mà việc nhận xe lăn thường cấp bách, người ta thông báo trước có vài ngày thôi. Nên chúng tôi cứ tranh thủ mọi nguồn. Nếu sau này thừa thì tốt thôi, nhập vào tài khoản hội, phục vụ chung”.
Câu chuyện từ ông Ý cũng tương tự. Ông kể: “Mỗi lần có thông báo được tặng xe lăn, ông Liêm đi giao thiệp một, hai ngày về báo tôi đã có tiền chở xe về. Tôi tin ông nên không hỏi tiền ở đâu và bao nhiêu cả. Tôi lo việc của tôi là làm tờ trình xin tỉnh. Khi có tiền, tôi báo ông Liêm làm thủ tục để tôi thanh toán. Tôi không tham ô. Tôi bị oan”.
Hiện hai ông Liêm, Ý đã làm đơn kháng cáo kêu oan. Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc khi vụ án có diễn tiến mới.
Đã khắc phục hậu quả
Bản án sơ thẩm không nêu mục đích tố cáo của ông Liêm, cũng như không đề cập xem xét yếu tố có đủ điều kiện miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS hay không đối với ông Liêm. Bởi ông Liêm là người khởi phát phanh phui vụ án và đã khắc phục mọi hậu quả, kể cả số tiền 20 triệu đồng mà ông cho rằng ông Ý đã mượn trước đây tại quán Trúc Xanh. Ông khắc phục trước khi bị khởi tố. “Chứng cứ tham ô” của vụ án Một trong các chứng cứ mấu chốt để cơ quan tố tụng kết luận hai ông Ý, Liêm phạm tội là các văn bản gửi các huyện hội thông báo về số tiền chi phí vận chuyển xe lăng và bốn hợp đồng vận chuyển xe lăn với các hợp tác xã vận tải tỉnh Cà Mau. Cơ quan tố tụng kết luận hai ông đã tranh thủ hai nguồn tiền cho một đầu việc để thừa ra mà tham ô. Trong khi ông Ý lý giải rằng mình không biết việc ông Liêm có thu tiền các huyện hội. Còn các hợp đồng khống với hợp tác xã, bản thân ông Ý cũng không biết là khống, cứ nghĩ là thật vì vận chuyển xe về là có thật. Và việc làm hồ sơ thanh quyết toán là đương nhiên. Trong khi ông Liêm bảo việc trình xin kinh phí của tỉnh là ông Ý xin, ông không biết, không tham gia. Khi ông Ý báo tỉnh đã cho tiền thì ông Liêm làm thủ tục thanh toán để nhận về với ý thức là để nộp vào tài khoản đơn vị, phục vụ chung cho công việc của hội. |