Bị tòa đình chỉ vì không nộp tiền định giá, khởi kiện lại được không?
TAND Tối cao vừa ban hành Công văn 02/TANDTC-PC ngày 2-8 để giải đáp một số vướng mắc xét xử, trong đó có các vấn đề về giải quyết án dân sự.
Nguyên đơn không nộp tạm ứng định giá tài sản thì không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu tòa giải quyết tiếp vụ án. Ảnh minh họa: NGÂN NGA
Một vấn đề nhiều tòa nêu thắc mắc là nếu nguyên đơn không nộp chi phí định giá thì tòa đình chỉ giải quyết vụ án. Vậy, trường hợp này nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án như trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện hay không?
TAND Tối cao giải đáp: Theo điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì:
Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp… “Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này”….
Theo khoản 1 Điều 218 BLTTDS, khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đương sự không có quyền khởi kiện lại nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật…
Như vậy, nếu tòa đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do “nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác” thì nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện.
. Một vấn đề còn vướng mắc khác được các tòa nêu ra là trường hợp hợp đồng vô hiệu, đương sự có phải nộp án phí cho số tiền phải hoàn trả cho bên kia không.
Ví dụ: ông A chuyển nhượng đất cho ông B với giá 2 tỉ đồng, ông B đã trả 500 triệu đồng nhưng sau đó xảy ra tranh chấp. Ông B yêu cầu tuyên bố hợp đồng giữa hai bên vô hiệu.
Tòa tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông A và ông B vô hiệu và các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Vậy, ông A có phải chịu án phí của số tiền 500 triệu đồng phải trả lại cho ông B không?
Về vấn đề này, TAND Tối cao giải đáp: Theo khoản 3 Điều 27 Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án thì đối với tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng đất vô hiệu thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
a) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng đất vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác; nếu tòa tuyên hợp đồng vô hiệu thì bên yêu cầu công nhận hợp đồng phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; nếu tòa tuyên công nhận hợp đồng thì bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
b) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng đất vô hiệu và có yêu cầu tòa giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch được quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện nghĩa vụ.
Do đó, trường hợp ông B yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu, ông A và ông B không có yêu cầu gì khác; nếu tòa tuyên hợp đồng vô hiệu thì ông A phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch.
Trường hợp ông B yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu và có yêu cầu tòa giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, thì ông A phải chịu án phí không có giá ngạch và án phí theo giá ngạch của số tiền 500 triệu đồng phải trả cho ông B.
Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/bi-toa-dinh-chi-vi-khong-nop-tien-dinh-gia-khoi-kien-lai-duoc-khong-1010068.html