Kháng nghị do tòa chia tài sản chỗ thiếu chỗ thừa
Vừa qua, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã kháng nghị phúc thẩm đề nghị hủy án sơ thẩm về giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn của TAND huyện Yên Lạc để giải quyết lại.
Lý do, VKS cho rằng tòa sơ thẩm vi phạm nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng, giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện và giải quyết không hết các yêu cầu khởi kiện.
Ảnh minh họa
Ông C và bà Đ ly hôn năm 2020 nhưng chưa yêu cầu tòa án chia tài sản chung. Ông bà có thửa đất số 148 diện tích 380m2 đất thổ cư (đo thực tế là 412.6 m2) do ông C đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên đất có một nhà cấp 4, một gian nhà bếp, một nhà tắm, sân gạch lát và một số cây cối lâm lộc.
Ông bà còn có thửa đất số 317 diện tích 357,9m2 đất vườn do mua đất ao của vợ chồng ông B và vẫn do ông này đứng tên.
Sau khi mua,vợ chồng ông C cho vợ chồng ông V mượn để sử dụng làm vườn, trồng cây. Hiện nay, trên đất có 23 cây bưởi và 37 cây cau.
Ông C đề nghị chia hai thửa đất trên làm ba phần, ông được hưởng hai phần, bà Đ một phần. Ông xin sử dụng 1/2 thửa số 148 để làm nhà ở và sử dụng toàn bộ thửa đất số 317 làm vườn.
Tòa sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C, giao ông C được quyền sử dụng toàn bộ thửa số 317, buộc ông V di dời cấy cối trên đất để trả lại đất cho ông C. Tòa cũng tuyên giao ông C diện tích đất 174,6m2 tại thửa 148, bà Đ 238m2 đất tại thửa số 148.
Kháng nghị của VKS cho rằng quá trình giải quyết vụ án, bà Đ không đồng ý quan điểm của ông C. Bà đề nghị chia cả hai thửa đất này cho mỗi người được hưởng một phần để sử dụng, tài sản trên đất của ai người đó được quyền sở hữu.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không xem xét toàn diện công sức đóng góp, nguyện vọng của hai bên mà phân chia theo đề nghị của ông C, trong khi cả hai thửa đất đều có thể phân chia bằng hiện vật.
Xét về giá trị, bà Đ được hưởng phần hơn nhưng quá trình giải quyết, tòa định giá diện tích đất vườn của thửa 317 có giá 60.000 đồng/m2là rất thấp so với thực tế. Điều này là không bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự, vi phạm nguyên tắc phân chia tài sản chung vợ chồng được quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Cạnh đó, ông C và bà Đ không đề nghị phân chia giá trị tài sản trên đất, tài sản trên đất thuộc phần đất của ai người đó sở hữu. Ông V (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và ông C không có yêu cầu giải quyết đối với tài sản là cây cối trên đất.
Tuy nhiên, tòa buộc ông V phải di dời toàn bộ cây cối trên đất để trả lại đất cho ông C là giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự, vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.
Ngoài ra, đối với tài sản, cây cối lâm lộc trên đất, các đương sự không yêu cầu chia mà tài sản trên đất được phân chia của ai người đó được quyền sở hữu.
Bản án chỉ quyết định giao đất, không giao tài sản trên đất cho các đương sự là quyết định không hết yêu cầu của đương sự. Điều này dẫn đến tranh chấp về sau, gây khó khăn cho việc thi hành án và không bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự, vi phạm điểm c, khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự.
Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/khang-nghi-do-toa-chia-tai-san-cho-thieu-cho-thua-1012918.html