Nguyên tắc suy đoán vô tội dù đã được luật hóa nhưng không phải cơ quan, người có thẩm quyền nào cũng dũng cảm áp dụng. Thực tế cho thấy có những vụ án khi thiếu chứng cứ buộc tội, tòa thường trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc hủy án và trong vụ án này, tòa trả hồ sơ nhiều lần nhưng không làm sáng tỏ thêm được gì và không chứng minh được tội phạm.

Thế nên trong quá trình tranh tụng công khai tại tòa, bên buộc tội không đưa ra được chứng cứ và lập luận để thuyết phục việc buộc tội của mình là có căn cứ, thì tòa án đã tuyên bị cáo vô tội.

Chứng cứ buộc tội như thế nào, thiếu hay đủ… là chuyện của VKS. Còn tòa sẽ xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, rồi căn cứ kết quả tranh tụng công khai để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với người bị buộc tội nếu cơ quan giữ quyền công tố tại tòa không trưng ra được chứng cứ thuyết phục để buộc tội là hoàn toàn hợp lý, hợp tình, đảm bảo quyền con người, quyền công dân cũng như xác định rõ ràng, rành mạch chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tố tụng

Tòa án là cơ quan xét xử như một trọng tài đứng ra phân xử và nhân danh nhà nước để nếu thấy có đủ căn cứ thì kết tội, mà không đủ căn cứ thì gỡ tội. Đó mới thực sự là điều mà xã hội hằng mong ước và trao niềm tin cho các vị quan tòa – những nhân cách được tin tưởng trước hết về đạo đức, cảm nhận công lý và về bảo vệ niềm tin.